VIỆC FED HẠ LÃI SUẤT ẢNH HƯỞNG ĐẾN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất 0,5% vào ngày 18/9 vừa qua đang là chủ đề đáng chú ý trên thị trường tài chính toàn cầu. Lãi suất của các tài khoản tiết kiệm và các quỹ thị trường tiền tệ theo đó sẽ giảm dần trong thời gian ngắn tới đây.
Tác động đầu tiên của việc cắt giảm lãi suất này đến thị trường Việt Nam là việc giảm bớt áp lực tỷ giá trong nước. Điều này hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng chúng tôi tin rằng mặt bằng giá trên thị trường đã được phản ảnh trước khi thông tin chính thức được công bố. Trong ngắn hạn, việc tác động lên thị trường chứng khoán là tích cực, nhưng ảnh hưởng trong dài hạn vẫn chưa chắc chắn. Bản thân việc cắt giảm lãi suất là có lợi, nhưng chúng ta cần theo dõi các diễn biến tiếp theo của nền kinh tế Mỹ. Nếu Mỹ đạt được kịch bản hạ cánh mềm, điều đó sẽ tạo ra các yếu tố tích cực cho thị trường cổ phiếu Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Mỹ trải qua một cuộc hạ cánh cứng, đồng đô la có thể mạnh trở lại. Điều này sẽ gây bất lợi cho thị trường chứng khoán Việt Nam cả về mặt kinh tế và tỷ giá hối đoái. Trong thời kỳ nền kinh tế Mỹ suy thoái, đồng đô la thường mạnh lên vì các nhà đầu tư thích nắm giữ các tài sản chất lượng cao, rủi ro thấp. Khi đó, các cổ phiếu phòng thủ và chất lượng là sự lựa chọn phù hợp hơn.
Ngoài vấn đề liên quan đến tỷ giá, chúng ta cần xem xét thêm tình hình kinh tế Mỹ hiện tại. Từ 2001 đến trước thời điểm này, Fed đã có 3 đợt giảm lãi suất vào đầu năm 2001, năm 2007 và 2019. Đây đều là các đợt giảm lãi suất trước khi nền kinh tế Mỹ rơi vào giai đoạn suy thoái. Thị trường chứng khoán Việt Nam, trong giai đoạn này, đều tăng điểm trong vòng một tháng sau lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed nhưng sau đó lại giảm mạnh. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ sắp tới có bước vào suy thoái hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn. Có quan điểm cho rằng, Mỹ khó có thể rơi vào suy thoái lần này do những tác động tích cực đến hiệu suất lao động nhờ sự phát triển của công nghệ AI, khả năng cao sẽ có một cuộc hạ cánh mềm như năm 1996. Điều này vẫn còn phải chờ xem.
Về mặt chính trị, việc cắt giảm lãi suất làm tăng khả năng hạ cánh mềm, điều này có lợi cho triển vọng bầu cử của bà Kamala Harris. Các chính sách của bà có lợi hơn cho các nước châu Á có định hướng xuất khẩu như Việt Nam.
Tại Việt Nam, do áp lực tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới có thể sẽ thực hiện các chính sách tiền tệ thuận lợi hơn. Chúng tôi tin rằng khả năng cắt giảm lãi suất là thấp, vì mức lãi suất hiện tại ở Việt Nam đã ở mức thấp kỷ lục.
(Nguồn: PHFM)