TRANG SỨC – KHOẢN ĐẦU TƯ HAY MÓN ĐỒ TRANG TRÍ?

TRANG SỨC – KHOẢN ĐẦU TƯ HAY MÓN ĐỒ TRANG TRÍ?

Ngày 11/4/2025, giá vàng thế giới tăng vọt, kéo theo giá vàng trong nước phá mốc kỷ lục – chạm ngưỡng 105 triệu đồng/lượng. Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu đầu tư vào vàng của người dân Việt Nam tăng cao, kéo theo sức nóng của thị trường trang sức.

Trang sức trong văn hóa đầu tư của người Việt

Vàng từ lâu đã giữ vai trò quan trọng trong văn hóa người Việt – không chỉ là vật phẩm làm đẹp, mà còn là tài sản tích lũy, vật phẩm sính lễ trong đám cưới hay được coi là khoản tiết kiệm truyền qua các thế hệ. Sau những thời kỳ lạm phát, khủng hoảng tài chính khiến cho đồng tiền mất giá, người Việt càng xem vàng như một kênh lưu trữ giá trị an toàn, đặc biệt trong bối cảnh giá vàng đang leo thang như hiện nay.

Vàng nhẫn rất được ưa chuộng tại Việt Nam – Nguồn: Sưu tầm

Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc hay Hong Kong, trang sức được xem như phụ kiện thời trang, thể hiện cá tính và địa vị xã hội. Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn trang sức có thiết kế, độ tinh xảo, và giá trị thương hiệu – thay vì tập trung vào hàm lượng vàng trong chế tác. Các vật liệu để sản xuất trang sức cũng tương đối đa dạng hơn như platinum, vàng trắng, hợp kim. Điều này tạo ra sự khác biệt so với hành vi tiêu dùng tại Việt Nam khi tại đây, mọi người sẽ thích trang sức với hàm lượng vàng, độ tinh khiết cao, chẳng hạn như vàng 24K. Các sản phẩm trang sức với hàm lượng vàng thấp thường ít được ưa chuộng ở Việt Nam hơn do chi phí chế tác cao và thường khi bán lại cho các cửa tiệm kim hoàn có thể bị chiết khấu đến 30% giá trị.

Trang sức thiết kế – Cartier, Van Cleef & Arpels

Xu hướng phát triển ngành trang sức tại Việt Nam

  1. Thị trường đầy tiềm năng

Hiện tại chi tiêu cho trang sức của người Việt Nam vẫn còn khiêm tốn khi so sánh với các thị trường phát triển. Theo Statista, trong năm 2025, chi tiêu trang sức bình quân đầu người tại Việt Nam dự kiến đạt 11,30 USD, với chỉ 11% trong số đó là cho các sản phẩm cao cấp – một con số khiêm tốn so với mức trung bình châu Á là 54,76 USD và tỷ lệ chi tiêu phân khúc cao cấp đạt 27%.

Tuy nhiên, với sự phát triển của tầng lớp trung lưu và dân số trẻ tại Việt Nam – nhóm người ưa chuộng thời trang và tính cá nhân hóa, PHFM kỳ vọng ngành trang sức sẽ bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

  1. Case study: Thị trường trang sức tại Hong Kong – Từ OEM đến OBM

Nhìn vào quá trình phát triển của một thị trường trang sức khá gần với Việt Nam là Hong Kong, chúng tôi nhận thấy một số điểm tương đồng và có thể gợi mở một số thứ về tương lai phát triển của ngành. Nền công nghiệp trang sức của Hong Kong bắt đầu từ những năm 1950s, sau một nửa thế kỷ phát triển, nó đã phát triển ra đến thị trường toàn cầu. Ban đầu các tên tuổi lớn hiện tại như Chow Tai Fook hay Chow Sang Sang đều bắt đầu từ việc bán vàng bình thường, các sản phẩm chưa có nhiều giá trị gia tăng về mặt thiết kế. Không khó để thấy điểm này khá tương đồng với Việt Nam, khi người tiêu dùng vẫn chủ yếu tập trung vào sản phẩm vàng nguyên liệu, ít quan tâm đến các khía cạnh khác của trang sức.

Đến những năm 1970s, sản xuất nữ trang tại các thành phố tại đây vẫn chủ yếu được thống trị bởi các nhà máy nhỏ từ 10 đến 20 công nhân. Từ chỗ đi gia công, đến những năm 90, Hong Kong đã đứng trong top 3 các nhà xuất khẩu kim hoàn lớn nhất thế giới. Các nhà sản xuất từ chỗ chỉ đi gia công (OEMs), đã chuyển sang thực hiện các khâu thiết kế (ODMs) và xuất hiện một số các nhà phát triển thương hiệu (OBMs).

“Cuối cùng thì, những ai mua trang sức là đang mua một giấc mơ. Chúng tôi không chỉ bán sản phẩm, chúng tôi còn bán nội dung và trải nghiệm.” — Kent Wong – Giám đốc điều hành Chow Tai Fook, Nguồn: Sưu tầm

Chính vì thế, chúng tôi cho rằng thị trường trang sức của Việt Nam cũng sẽ dần tiến đến việc phục vụ cho trải nghiệm của khách hàng và tầm quan trọng của chất liệu vàng trong trang sức được kỳ vọng sẽ giảm bớt. Điều này đồng nghĩa khi thị trường chín muồi, sự cạnh tranh sẽ gia tăng đối với các doanh nghiệp nội địa khi các thương hiệu trang sức thiết kế nước ngoài gia nhập Việt Nam. Các thương hiệu như Pamela, Cartier, Swarovski, Pandora,… đang có các bước tiến để thâm nhập ngày càng tăng cao. Cải thiện thương hiệu, tập trung R&D, ra mắt các mẫu thiết kế kỹ thuật cao sẽ là yếu tố sống còn với các thương hiệu trang sức Việt.

Góc nhìn đầu tư: Trang sức thiết kế là tương lai của ngành kim hoàn

Lấy ví dụ về PNJ, các sản phẩm trang sức thiết kế có mức biên lợi nhuận gộp có thể đạt tới 20-30%, so với chỉ từ 1-2% khi bán các sản phẩm vàng miếng thông thường.

Trong thời gian vừa qua, khi bối cảnh giá vàng tăng cao đã kích thích nhu cầu dự trữ, đầu tư, găm hàng khiến nguồn nguyên liệu vàng trở nên khan hiếm, phần nào ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nguồn: PHFM

PHFM cho rằng, với lợi thế là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành trang sức với bề dày kinh nghiệm vững chắc đã giúp PNJ có lợi thế về nguồn nguyên vật liệu vàng so với các doanh nghiệp nhỏ lẻ trong nước cũng như nhận thức từ rất sớm về xu hướng tương lai. Ngoài ra, PNJ cũng là một trong những doanh nghiệp trong ngành trang sức xác định rõ định hướng phát triển công ty là trở thành 1 thương hiệu bán lẻ trang sức thiết kế tại Việt Nam và không ngừng đầu tư vào nguồn nhân lực, R&D và thiết kế cũng như cập nhật thị hiếu của khách hàng.

Tóm lại, về dài hạn, chúng tôi cho rằng các xu hướng chính trong ngành kim hoàn sẽ bao gồm sáp nhập ngành và cạnh tranh về thiết kế, khả năng R&D của các doanh nghiệp thay vì tập trung kinh doanh vàng miếng như trước đây.

 

Nguyễn Minh Trí – Phòng Đầu tư PHFM