• Home
  • >
  • Lĩnh vực quan tâm
  • >
  • CEO PHFM: Thị trường chứng khoán sẽ mang đến tỷ suất sinh lời hấp dẫn trong năm 2024

CEO PHFM: Thị trường chứng khoán sẽ mang đến tỷ suất sinh lời hấp dẫn trong năm 2024

 

Theo chuyên gia PHFM, tình hình kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp đều đã chạm đáy trong năm 2023, nên năm 2024 sẽ là thời cơ thuận lợi để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong điều kiện kinh tế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực.

Trải qua 24 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục. Các sản phẩm quỹ đầu tư đã xuất hiện, nhưng trên thực tế vẫn chưa thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư cá nhân.

Tại Talkshow Phố tài chính trên VTV8, ông Lu Hui Hung, Tổng Giám đốc, Công ty CP Quản lý Quỹ Phú Hưng (PHFM) đã có những chia sẻ về ngành quản lý quỹ cũng như cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

 

BTV Mùi Khánh Ly: Ông có đánh giá như thế nào về hiệu quả đầu tư của các quỹ trong năm 2023 đầy biến động vừa qua?

Ông Lu Hui Hung, Tổng Giám đốc, Công ty CP Quản lý Quỹ Phú Hưng (PHFM)

Trong năm 2023, các khó khăn của ngành quản lý quỹ dần dần được tháo gỡ, nhiều quỹ mở đã ghi nhận hiệu quả kinh doanh tăng trưởng cao hơn so với bình quân thị trường nhờ sự nhạy bén trong việc nắm bắt thời cơ tăng trưởng và khả năng quản trị rủi ro danh mục. Trong khi chỉ số VN-Index kết năm 2023 tăng trưởng ở mức 12%, thì một số quỹ mở đã ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn đáng kể so với chỉ số VN-Index; thậm chí, một số quỹ mở còn có mức tỷ suất sinh lời đạt trên 30%. Theo thông tin từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), số lượng các quỹ tham gia cũng như tần suất giao dịch trong năm 2023 đều ghi nhận tăng lên, đặc biệt là quỹ mở. Tôi rất lạc quan về sự phát triển trong tương lai của ngành Quản lý Quỹ tại Việt Nam. Tôi kỳ vọng ngành quản lý quỹ không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng cũng sẽ tăng trong thời gian tới, các sản phẩm liên quan đến ngành quỹ ngày càng dồi dào hơn, đáp ứng nhiều khẩu vị rủi ro cũng như mang lại hiệu quả cao hơn cho nhà đầu tư.

 

Vì sao nhà đầu tư tại Việt Nam chưa mặn mà với quỹ, dù hiệu suất đạt được là khá tốt?

Tôi cho rằng có nhiều lý do. Lý do thứ nhất có thể là do nhà đầu tư chưa cập nhật đầy đủ thông tin về ngành quỹ. Ví dụ như họ thiếu thông tin về các loại quỹ khác nhau, những lợi ích đi cùng, hoặc băn khoăn không biết liệu tiền của họ có an toàn hay không?…Các nhà đầu tư cá nhân cũng có thể không hài lòng bởi các loại phí và chi phí liên quan đến một số quỹ, gây ra đắn đo trong quyết định đầu tư.

Lý do thứ hai là do tâm lý và hành vi. Có không ít nhà đầu tư cá nhân bị ảnh hưởng bởi các nguồn thông tin không chính thức hoặc quảng cáo bị sai lệch. Họ có thể phải đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tư vấn và hướng dẫn tài chính đáng tin cậy. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, định kiến và sở thích khi đưa ra quyết định đầu tư. Hiện tại các nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự quan tâm đến mức độ chấp nhận rủi ro, thời gian và mục tiêu đầu tư của mình. Vì vậy, họ ít quan tâm hoặc không đủ kiên nhẫn để nghĩ xem giải pháp nào từ quỹ nào có thể giúp ích cho họ.

Lý do thứ ba cũng có thể bắt nguồn từ phía các quỹ, nhiều quỹ có mục tiêu trung vào khách hàng có giá trị tài sản ròng cao, nên nhà đầu tư lẻ chưa tiếp cận được.

 

Theo ông, sau giai đoạn biến động dữ dội của thị trường vừa qu, nhà đầu tư có thay đổi cách nhìn nhận về các quỹ?

Sau khi trải qua những biến động của thị trường, nhà đầu tư cũng sẽ hiểu ra rằng rất khó để có được lợi nhuận bền vững trên thị trường nếu thiếu kiến thức và kinh nghiệm về thị trường. Đồng thời, họ cũng sẽ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn tư vấn và hướng dẫn tài chính đáng tin cậy. Thực tế, để có được lợi nhuận bền vững trên thị trường đòi hỏi phải có thời gian, kiến thức chuyên môn và nguồn lực. Và hầu hết các quỹ đầu tư có tất cả những yếu tố này, cũng như có đa dạng các giải pháp để đáp ứng khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

 

 

Các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các quỹ đầu tư đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu, chúng ta có thể thấy ngành quỹ đang ngày càng phát triển hơn, tuy nhiên con số này nếu so với các nước trong khu vực và các nước phát triển thì tiềm năng vẫn còn rất lớn?

Đúng vậy! Tổng tài sản quản lý (AUM) của toàn ngành quản lý quỹ đến cuối năm 2022 chỉ đạt 23,25 tỷ USD, tương đương 5,7% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực. Trong khi đó vào năm 2017, tại Thái Lan, tỷ lệ này đã là 27,93%, hay Malaysia là 31,57%…

Sự phát triển của ngành Quỹ có mối tương quan cao với sự phát triển của thị trường chứng khoán. Hiện nay, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam khoảng 4.000 USD. Dựa trên kinh nghiệm ở các quốc gia khác như Thái Lan, khi GDP bình quân đầu người của họ vượt qua mức 5.000 USD, nhu cầu đầu tư tài chính sẽ tăng lên đáng kể. Đồng thời, xu hướng này sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành Quỹ.

Bên cạnh đó, tính đến nay, tỷ lệ tài khoản giao dịch chứng khoán trên tổng dân số ở Việt Nam là khoảng 7,5%, trong khi con số này ở những quốc gia khác trong khu vực lớn hơn, thậm chí nơi lên đến 92,1%. Đặc biệt, tỷ lệ tài khoản chứng chỉ quỹ mở chưa đến 1% dân số tính đến 9/2022. Như vậy, việc gia tăng số lượng tài khoản giao dịch cùng với sự phát triển của thị trường tài chính sẽ mang lại nguồn vốn lớn cho thị trường chứng khoán, thu hút nhiều nhà đầu tư biết đến và lựa chọn quỹ là một trong những công cụ đầu tư.

 

Năm 2024 dự báo vẫn còn những khó khăn thách thức, dưới góc nhìn của các quỹ, ông đánh giá như thế nào về nền kinh tế và thị trường chứng khoán?

Mặc dù được dự báo tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn thách thức, nhưng nền kinh tế vĩ mô và TTCK Việt Nam trong năm 2024 được kỳ vọng sẽ có gam màu tươi sáng hơn so với năm 2023, nhờ sự hỗ trợ của nhiều yếu tố tích cực. Đối với kinh tế vĩ mô, môi trường kinh tế Việt Nam trong 2024 được dự báo sẽ duy trì ở mức ổn định, ít biến động, với tốc độ tăng trưởng kinh tế kỳ vọng ở mức trên 6% so với 5% của năm 2023. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cũng như tỷ giá hối đoái cũng sẽ được điều hành ở mức ổn định. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng có một số động thái nhằm nới lỏng chính sách tài khóa, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hơn thế nữa, sự phục hồi trong tăng trưởng giao thương toàn cầu cũng sẽ rất có lợi cho một quốc gia xuất khẩu như Việt Nam, hỗ trợ cải thiện mức tiêu thụ nội địa và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với thị trường chứng khoán, do tình hình kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp đều đã chạm đáy trong năm 2023, nên năm 2024 sẽ là thời cơ thuận lợi để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong điều kiện kinh tế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực. Thêm vào đó, hiện nay chỉ số P/B của VN Index chỉ ở mức 1,8x, thấp hơn khoảng 22% so với mức P/B trung bình 10 năm (2,2x). Với những lý do trên, tôi rất kỳ vọng thị trường chứng khoán nói chung sẽ mang đến tỷ suất sinh lời hấp dẫn trong năm 2024.

 

Tại các thị trường phát triển, vai trò của các quỹ đầu tư rất lớn, vậy theo ông, cần triển khai thêm những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của ngành quỹ, qua đó hỗ trợ nhà đầu tư, cũng như thúc đẩy thị trường phát triển hơn trong thời gian tới?

Theo tôi, để thúc đẩy ngành quỹ, trước tiên chúng ta phải giúp cho công chúng hiểu về sản phẩm này. Chúng tôi hy vọng rằng các sản phẩm quỹ sẽ không chỉ được đầu tư bởi các nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, mà còn được đầu tư bởi những người có mức thu nhập trung bình để họ có thể đạt được các mục tiêu tài chính trong cuộc sống. Ngưỡng đầu tư tối thiểu của quỹ chúng tôi hiện nay chỉ là 100.000 đồng, thấp hơn so với mức trung bình của ngành. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích các nhà đầu tư nắm giữ lâu dài nên đã hủy bỏ phí đăng ký và phí bán, miễn là nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ trong thời gian đủ dài. Chúng tôi hy vọng giải pháp của chúng tôi trở nên dễ tiếp cận hơn với các nhà đầu tư nói chung. Bên cạnh đó, chúng tôi đang lên kế hoạch tổ chức các hoạt động đào tạo, bao gồm cả nội dung số và một số hội thảo cho các nhà đầu tư và tại các trường đại học, cung cấp kiến thức đầu tư cho các thế hệ nhà đầu tư tương lai.

 

Nguồn: Nhịp Sống Thị Trường